Từ trước đến giờ, các phương tiện truyền thông vẫn thường nhắc đến game như một thứ gây nghiện, là xúc tác khiến người chơi thực hiện các hành vi phạm pháp để thỏa mãn nhu cầu chơi game hay thậm chí là để được sống lại các cảm giác trong game ngoài đời.
Và điều này khiến cho hình ảnh người chơi game trở nên xấu đi rất nhiều, các vị phụ huynh coi game như “ma túy số”, tìm mọi cách để tách rời con em mình khỏi thứ “tệ nạn” này. Nhưng nếu nói đúng thì mọi hình thức giải trí đều đã từng trải qua giai đoạn này, như truyện tranh, âm nhạc hay phim ảnh. Và cũng nên phân loại cụ thể mức độ đam mê của người chơi đối với hình thức giải trí thuộc dạng hàng hot này.
Yêu game
Đặc điểm chung của người yêu game là họ luôn có một dòng game tủ, như đối kháng, thể thao hay chiến thuật, và sở thích của họ không đổi theo thời gian. Với họ việc hoàn thiện kĩ năng (nói chung) của mình quan trọng hơn nhiều so với việc chinh phục thử thách, do đó nhiều người trong nhóm này vẫn gắn bó với các tựa game đời cũ như Đế chế hay Counter-Strike (không online) hay thậm chí là Mario chỉ vì tính đơn giản, cân bằng và đòi hỏi nhiều kĩ năng mà các cái tên này đem lại.
Đối với người yêu game, họ có được động lực từ game để phát triển khả năng của cá nhân mình, từ kĩ năng phân tích vấn đề, nghiên cứu chuyên sâu về một vấn đề, phát triển vốn ngoại ngữ hay thậm chí là các kĩ năng cứng khác như thiết kế đồ họa hay lập trình.
Với họ, việc phát triển các kĩ năng nói trên đơn thuần chỉ để có khả năng đóng góp tốt hơn vào tựa game(hay dòng game) mà họ yêu thích và đa số các dự định về nghề nghiệp trong tương lai của họ tập trung chủ yếu vào các lĩnh vực có liên quan tới game như lập trình, thiết kế đồ họa(2D, 3D), hay quản lý sản phẩm (game) cũng như mục tiêu lâu dài là đầu quân vào các công ty hay NPH có tên tuổi trong làng game. Nhưng có lẽ mục tiêu lớn nhất của họ là được đóng góp cho nền công nghiệp game trong khả năng của mình, theo cách mình muốn.
Đú đởn
Có lẽ bộ phận này chiếm số đông trong cộng đồng người chơi game tại Việt Nam, thậm chí là tới thời điểm hiện tại khi phần lớn người chơi rơi vào nhóm tuổi trẻ trâu. Nhóm này phần nào có điểm tương đồng với người yêu game khi đa số có mục tiêu ngắn hạn là làm về game, từ các vị trí như Game Master (GM) hay thi đấu Esport chuyên nghiệp, nhưng thực tế thì đây chỉ là sự ảnh hưởng từ các hiện tượng trong làng game khu vực cũng như thế giới lên tâm lý của họ, từ các GM với sức mạnh ingame không ai sánh bằng tới các game thủ chuyên nghiệp kiếm “tiền tỷ” chỉ nhờ chơi game. Và có lẽ bộ phận này chỉ nghĩ đến được như vậy.
Nhưng đáng nói hơn là nhóm này không thực sự có sở thích cụ thể, họ chơi theo thời vụ, cứ tựa game hot nào mới ra là họ có thể tràn qua một cách dễ dàng. Một ví dụ khá dễ hình dung là với cộng đồng Liên Minh Huyền Thoại (LMHT), phần đông người chơi của LMHT đã từng là số đông của các tựa game khác như Đột Kích, Audition hay thậm chí là Gunbound hoặc bất cứ cái tên nào đã từng làm mưa làm gió làng game Việt trước đây.
Và đánh vào đặc trưng chính của nhóm này là trẻ trâu, các NPH dễ dàng có thể nhập một tựa game kém chất lượng về để thỏa mãn nhu cầu tức thời là thích thưởng thức các sản phẩm “bom tấn”, sau đó nhẹ nhàng rút đi, để lại một lỗ hổng lớn trong cộng đồng.
Với nhóm người chơi đú đởn, họ có tư tưởng “đứng núi này, trông núi khác” khi luôn không hài lòng với những gì mà làng game Việt đã đem đến được. Dĩ nhiên các NPH có thể hút máu, hay đưa về các tựa game không tương ứng với những gì mà các tên tuổi lớn như Nexon, NCsoft hay Blizzard đang làm trên thế giới, nhưng chính vì cách hành xử của nhóm này đối với các tựa game trong nước, có thể nói như tâm lý thích game dễ, lười (lười chơi game, dựa vào auto, cày thuê), thích bá đạo nhanh hay quá chú trọng vào đẳng cấp (rank, lvl,…) đã khiến các NPH phục vụ nhóm người chơi này (có thể nói là đa số các NPH tại VN) không có đủ khả năng để nhập các tựa game khủng từ Hàn Quốc hay Nhật Bản về khi phải chia sẻ máy chủ với quá nhiều tựa game kém chất lượng khác. Có thể nói đây là “tự mình hại mình” vậy.
Nhưng nếu nói bộ phận “đú đởn” chỉ toàn trẻ trâu thì có vẻ hơi quá, khi nhóm người chơi này cũng có thành phần từ nhóm “già trâu”, hay người chơi đã đi làm và có công việc ổn định. Như đã đề cập ở trên, bộ phận già trâu thích các tựa game đơn giản cũng như ưa đẳng cấp, và điều này khiến cho ngành công nghiệp đi kèm với game là ngành “cày thuê” luôn có đất sống tại Việt Nam, khi mà với bất cứ tựa game nào, chúng ta có thể dễ dàng tìm được các dịch vụ cày cuốc đi kèm, từ game nhập vai cày cấp cho tới MOBA cày rank… Điều này dễ hiểu khi các chú, các bác bận đi làm, không có nhiều thời gian chơi game nhưng với tâm lý lười, thậm chí là “lười chơi” thì có vẻ hơi quá đáng. Nhưng có lẽ chúng ta không thể nói hết về bộ mặt game Việt khi thiếu yếu tố “nghiện game”.
Nghiện game
Có lẽ đây là yếu tố khiến bộ mặt của làng game trở nên xấu xí khi nhóm đối tượng này đã từng mục tiêu chính để các phương tiện thông tin đại chúng đánh vào. Từ các vụ cướp với lý do để “trả tiền chơi game” hay “thỏa mãn nhu cầu chơi game”, các phương tiện truyền thông dần dần biến người chơi game trở thành các con nghiện cũng như danh từ “game thủ” được sử dụng với ý nghĩa tương tự như “con nghiện” vậy.
Dù đã có nhiều các nghiên cứu về tác động của game tới người chơi, nhưng các nhà khoa học tới thời điểm hiện tại vẫn không khẳng định rằng game có bất cứ ảnh hưởng gây nghiện nào tới não bộ giống như các chất gây nghiện/kích thích khác. Do đó nói rằng một người “nghiện” game là thực sự sai lầm, ít ra là về mặt khoa học.